Lắng nghe, sát cánh cùng người lao động
18:10 06/06/2022
Là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của Tháng Công nhân 2022, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động (CNLĐ) vừa được UBND tỉnh tổ chức thành công trung tuần tháng 5 thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên Công đoàn, CNLĐ trong toàn tỉnh. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập, đời sống và những quyền lợi chính đáng của CNLĐ được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng các sở, ngành, địa phương trực tiếp tháo gỡ.

Năm 2022 là năm thứ 5 tỉnh Bắc Ninh tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với CNLĐ. Với chủ đề “Lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ”, cuộc đối thoại được các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang ghi nhận, đánh giá cao. Đây là diễn đàn dân chủ giữa Đảng, chính quyền với giai cấp công nhân, là dịp để đoàn viên, CNLĐ, cán bộ Công đoàn trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với lãnh đạo tỉnh về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp. Từ đó, giúp lãnh đạo tỉnh đưa ra quyết sách kịp thời nhằm chăm lo tốt nhất cho người lao động, góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Công nhân lao động Công ty TNHH NuRi-M (KCN Yên Phong) thi đua lao động sản xuất giỏi.

 

Chia sẻ về hoạt động này, đồng chí Nguyễn Thế Quyết, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho biết: “Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hoạt động đối thoại trong doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà đã và đang được các doanh nghiệp quan tâm, thường xuyên tổ chức. Trực tiếp quản lý 722 CĐCS với hơn 152 nghìn đoàn viên Công đoàn, CNLĐ, thời gian qua, Công đoàn Các KCN tỉnh tích cực chỉ đạo hướng dẫn các CĐCS phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Để đạt hiệu quả cao, hoạt động đối thoại tại các doanh nghiệp được đổi mới với nhiều hình thức khác nhau: thương lượng, tư vấn hoặc trao đổi thông tin giữa người sử dụng lao động và người lao động; hòm thư đề xuất ý kiến; họp định kỳ giữa Công đoàn - người lao động; giữa Công đoàn - Ban Giám đốc doanh nghiệp… Sau các cuộc đối thoại, những kiến nghị của người lao động cơ bản được giải quyết, đảm bảo lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích của Nhà nước”.
Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, các cấp Công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện CNLĐ, giữa Công đoàn - chủ doanh nghiệp - người lao động nhằm giải quyết các phát sinh trong quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Việc tổ chức Hội nghị người lao động và định kỳ đối thoại tại nơi làm việc được các cấp Công đoàn thực hiện ngày càng đi vào nền nếp. Hằng năm, 100% CĐCS khối HCSN tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức; bình quân 67,1% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động. Tổng hợp năm 2021, trong tổng số 480 doanh nghiệp tổ chức hội nghị đối thoại, có 451 doanh nghiệp tổ chức định kỳ và 29 doanh nghiệp tổ chức đối thoại đột xuất. Đây là hoạt động thiết thực từng bước góp phần giải quyết ngay những bức xúc trong quan hệ lao động.

 

Đại diện đoàn viên, CNLĐ bày tỏ tâm tư tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với CNLĐ năm 2022.


Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt, việc tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc ở một số nơi vẫn còn hình thức, một số doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ nội dung dân chủ, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật về lao động, nợ lương, nợ BHXH, phương pháp tuyên truyền, vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn đơn điệu, chưa đa dạng; nhiều tổ chức Công đoàn chưa thực sự phát huy được vai trò trong việc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động; người lao động chưa nhận thức được hết quyền lợi, chế độ của mình...
Vì thế, để nâng cao chất lượng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Vân Hà khẳng định, cần xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của đối thoại trong quan hệ lao động. Người sử dụng lao động phải xác định đây là trách nhiệm của mình để thực hiện đúng quy định của pháp luật và bảo đảm dân chủ thực sự. Mặt khác, tăng cường hơn nữa vai trò của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động cho cán bộ Công đoàn và các thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc. Tăng cường kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc... Và mỗi cấp Công đoàn phải là chỗ dựa tin cậy của người lao động; chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, đề xuất giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng. Khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ, đối thoại trong doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao.
Luôn lắng nghe và sát cánh cùng người lao động, nắm chắc tư tưởng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNLĐ, tổ chức Công đoàn các cấp đã đóng góp những kết quả quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và địa phương. 

baobacninh.com.vn
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Công ty Tân Phát Đăng ký kết nối làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh
Văn bản, chính sách mới Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng của Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN Bắc Ninh Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Tỷ giá ngoại tệ