Sản xuất công nghiệp Bắc Ninh phục hồi và tăng trưởng khá
17:30 15/03/2022
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, tình trạng thiếu nhân lực phục vụ sản xuất sau Tết Nguyên đán cơ bản được khắc phục, hầu hết các doanh nghiệp đều đẩy mạnh sản xuất.
Theo số liệu thống kê, 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 5,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,83%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,89%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giữ ổn định so với cùng kỳ năm trước.
Về sản phẩm công nghiệp, các doanh nghiệp đã chủ động việc tăng cường kết nối thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa do đó nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng của tỉnh 2 tháng đầu năm đều có mức sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sữa và kem chưa cô đặc, sản xuất đạt trên 18,7 triệu lít, tăng 27,65%; Thức ăn gia súc, sản xuất đạt trên 87 nghìn tấn, tăng 11,37%; Điện thoại thông minh, sản xuất đạt trên 1 triệu sản phẩm, tăng 8,57; Điện thoại thông minh có giá từ 6 đến dưới 10 triệu đồng, sản xuất đạt 793 nghìn cái, tăng 25,27%; Linh kiện điện thoại, đạt trên 86,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1%; Màn hình tivi, sản xuất đạt gần 1,3 triệu cái, tăng 63,81%; Pin khác, sản xuất đạt 30,1 triệu viên, tăng 5,54%; Dụng cụ đun nước nóng, sản xuất đạt gần 159 nghìn cái, tăng 43,24; Dược phẩm chứa vitamin, sản xuất đạt trên 55 tấn, tăng 3,14%; Áo sơ mi cho người lớn, sản xuất đạt 262 nghìn cái, tăng 53,4%;...
Cũng nhờ đẩy mạnh sản xuất nên xuất khẩu hàng công nghiệp 2 tháng đầu năm cũng đạt cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Hàng dệt may xuất khẩu đạt 17,01 triệu USD, tăng 42,5%; Máy tính và linh kiện xuất đạt 628,1 triệu USD; Đặc biệt là sản phẩm điện thoại các loại xuất đạt 6.205,4 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, nhất là biến thể mới “Omicron” có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh nên sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ và phải giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước đó là: Điện thoại thông thường có giá từ 3 đến dưới 6 triệu đồng, giảm 13,49%; Kính nổi, giảm 9,86%; Giấy và bìa khác, giảm 8,9%; Sắt thép dạng góc khuôn hình, giảm 30,18%; Xe có động cơ, giảm 9,6%; Phụ tùng khác của xe có động cơ, giảm 7,8%; Nước giải khát, giảm 11%...
Về lực lượng lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhìn chung không có sự thiếu hụt. Với tinh thần nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, quyết tâm không để lỡ nhịp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tại thời điểm cuối tháng 2-2022 ước tính số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,21% so với tháng trước song lại giảm 3,57% so với cùng kỳ năm trước.
Nối tiếp đà tăng trưởng của hai tháng đầu năm, cùng với chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi SXKD, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh vừa được Quốc hội thông qua với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110.000 tỷ đồng. Mục tiêu chính của chương trình là tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh, tạo thêm dư địa cho phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Đây được coi là cơ hội giúp các doanh nghiệp hồi sinh sau hai năm vật lộn với đại dịch.
Trong 2 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 380 doanh nghiệp gia nhập thị trường với tổng vốn đăng ký là 3.783 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 15,9% về số doanh nghiệp và tăng 6,9 về tổng vốn đăng ký bổ sung. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Có 351 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, so với cùng kỳ có 457 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 15,4% so với cùng kỳ; 57 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 765 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn cao hơn 1,42 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và giải thể.
Tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, cấp mới cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,8 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 22 dự án với số vốn điều chỉnh tăng hơn 1,252 tỷ USD. Riêng 2 dự án: Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Goertek) điều chỉnh tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại KCN Quế Võ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp đăng ký đầu tư cho 1.727 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt gần 22,54 tỷ USD.
Cùng với những giải pháp tích cực từ Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đầu tư hạ tầng, thu hút nhà đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, bình đẳng, công khai, minh bạch. Ngoài ra, một trong những giải pháp được tỉnh chú trọng là chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
baobacninh.com.vn
Top
Thăm dò
Ban quản lý các KCN Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp công tác phòng, chống Covid-19
Quảng cáo
Đăng ký kết nối làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh Công ty Tân Phát
Văn bản, chính sách mới Quản trị web Đăng tin tuyển dụng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bắc Ninh Doanh nghiệp trong các KCN Bắc Ninh-Enterprises in Bac Ninh Industrial Parks Chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng của Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN Bắc Ninh Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Tỷ giá ngoại tệ